9 ĐIỂM CHUNG CỦA CÁC CẶP VỢ CHỒNG TRẺ MUA ĐƯỢC NHÀ DÙ THU NHẬP DƯỚI 1000USD/THÁNG
1. Tự nấu ăn
Điểm chung của hầu hết các cặp vợ chồng để tiết kiệm được 1 khoản lớn mỗi tháng chính là tự nấu tất cả các bữa ăn trong ngày. Một phần cơm trung bình của người Việt Nam có đủ món canh – mặn – xào sẽ dao động từ 20-30.000/người/bữa, nếu ở quận trung tâm có thể lên đến 45-60.000/người/bữa. Vị chi tiền ăn của 2 vợ chồng sẽ ở mức 200 – 300.000/ngày

Phần cơm hộp văn phòng giá 40k
Nếu tự nấu tại nhà, một mâm cơm với giá dưới 100.000 là điều hoàn toàn dễ dàng thực hiện. Đỉnh điểm là chia sẻ của vợ chồng anh Tuấn và chị Yến ở Thanh Trì, Hà Nội. Mỗi tháng, anh chị có thể tiết kiệm 6tr3 dù lương 2 vợ chồng chỉ ở mức 10tr đồng. Bí quyết hoàn toàn ở khả năng vun vén bữa cơm gia đình chỉ với 50.000/ngày.
- Mua rau thịt cá ở chợ đầu mối
- Tận dụng bữa ăn ở cơ quan
- Thay đổi món ăn linh hoạt với thực phẩm đang có

Bữa sáng có giá 20k do chị Yến tự tay nấu

Mâm cơm chiều chỉ với giá 30k vẫn đầy đủ món
Hãy cố gắng tìm hiểu những chợ gần nhà. Nếu có chợ đầu mối, điều này thực sự lý tưởng. Giá cả ở đây thường rẻ hơn chợ bán lẻ, vừa có thể tìm được người bán rau mang từ quê lên.
Nhưng.
Chợ đầu mối thường không nhiều, hãy áp dụng cách thứ 2.
Dành 1 tháng đầu tiên mua hàng ở tất cả những sạp rau thịt gần nhà, so sánh giá cả để chọn ra nơi có mức giá và chất lượng ổn nhất.
Theo kinh nghiệm của rất nhiều người nội trợ thông minh, trong một khu chợ chắc chắn sẽ có nơi bán rẻ hơn những sạp còn lại. Chỉ cần để tâm một chút, bạn có thể tiết kiệm được một khoản chi tiêu không ngờ tới cho việc ăn uống.
Mua ở chợ có rẻ hơn siêu thị không?

Siêu thị là thiên đường mua sắm của rất nhiều người nội trợ
Ngày nay, nhiều gia đình chọn mua thực phẩm tại siêu thị để đảm bảo VSATTP. Những siêu thị bán lẻ như Aeon, Satrafood, Big C thường có chương trình giảm giá cho khách hàng mua sau 18h cho thực phẩm đã chế biến. Một số mặt hàng ở siêu thị như rau củ trái cây thậm chí được bán giá rẻ hơn chợ khi có chương trình ưu đãi.
Với một chút kỹ năng lựa chọn thực phẩm, bạn hoàn toàn có thể chuẩn bị những bữa ăn ngon và an toàn cho cả nhà với giá cả vô cùng phải chăng.
2. Sinh con trong kế hoạch
Nuôi con là một khoản khá “đau đầu” của nhiều cặp vợ chồng trẻ, đặc biệt là khi sinh sống tại các thành phố lớn, với mức sống đắt đỏ như Tp.HCM hay Hà Nội.
Việc có con sau khi đã ổn định chỗ ở là lợi thế của rất nhiều cặp vợ chồng trẻ.

Mua nhà trước khi có con là điều cặp vợ chồng trẻ nào cũng mơ ước
Vợ chồng chị Liên (Hoàng Mai, Hà Nội) là một ví dụ điển hình.
Với tổng thu nhập của cả 2 vào khoảng 30tr/tháng, anh chị cho biết:
“Vợ chồng mình kế hoạch 2 năm mới sinh con nên chưa phải lo tiền sữa bỉm cũng đỡ. Với việc chi tiêu tiết kiệm, tính ra mỗi tháng mình cất đi được 22 triệu”.
Khi chưa mua nhà, anh chị ở nhà thuê với chi phí 3tr/tháng. Sau khi mua nhà, tiền thuê nhà được bù vào chi phí tã sữa cho con, xem như các khoản chi tiêu cứng của gia đình vẫn ổn định.
3. Chi tiêu không quá 30% tổng thu nhập
Đối với những nguồn thu nhập từ tiền lương đều đặn mỗi tháng, việc áp dụng các phương pháp quản lý tài chính là điều vô cùng cần thiết. Đặc biệt với 2 vợ chồng trẻ đang muốn mua nhà, chi tiêu càng cần chặt chẽ và có kế hoạch rõ ràng.
Hãy thử áp dụng công thức sau.
Không sử dụng quá 30% tổng thu nhập của cả 2 vợ chồng. Khoản này dùng cho chi phí thuê nhà, điện nước, ăn uống, xăng xe và đối nội, đối ngoại, hiếu hỉ.

Kế hoạch chi tiêu hàng tháng của gia đình chị Liên (ảnh: afamily)
Với tổng thu nhập dao động từ mức 10tr trở lên, việc dành ra 30% cho chi tiêu hàng ngày là điều hoàn toàn có thể.
“Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”
Mỗi nhà mỗi cảnh, nếu muốn tiết kiệm tiền vì mục tiêu chung là mua nhà, cả 2 vợ chồng phải có kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm hợp lý. 30- 70 là tỉ lệ được rất nhiều cặp đôi áp dụng và thành công.
Đừng nghĩ số tiền quá ít thì không cần lên kế hoạch tiết kiệm. Hãy tập quản lý khoản thu nhập của mình dù là nhiều hay ít. Bạn sẽ thấy điều này hiệu quả, như cách anh Cường và chị Sâm có được căn nhà của riêng mình trong phần tiếp theo.
4. Phải có nhiều nguồn thu nhập
Cũng như bao cặp vợ chồng khác, Minh Cường (1988) và Thùy Sâm (1989) mong muốn có 1 căn nhà riêng khang trang và lịch sự.

Ít ai biết trước khi xây được ngôi nhà này, anh chị chỉ có 150tr tiền dành dụm
Anh Cường là nhân viên trạm xăng, lương tháng 5tr. Chị Sâm là nhân viên kế toán, lương tháng 4tr. Khi quyết định từ nhà ba mẹ chồng dọn ra ở riêng, anh chị chỉ có vỏn vẹn 150tr tiền dành dụm, cộng thêm 100tr gia đình 2 bên hỗ trợ và bán xe máy được 50tr nữa là 300tr.
Với số tiền này thì việc mua đất và xây nhà là điều không khả thi. Anh chị quyết định vay ngân hàng để mua đất xây nhà, mỗi tháng góp 3,6tr.
Sau khi xây nhà, vì chưa có kinh nghiệm nên chi phí thực tế cao hơn 100tr so với dự tính. Phía công ty xây dựng cho nợ nhưng phải thanh toán trong vòng 1 năm. Với thu nhập của 2 vợ chồng, sẽ không đủ để chi trả.
Chị Sâm cho biết, nhờ thú chơi chim cảnh của mình, anh Minh chuyển sang kinh doanh. Một con chim chào mào có thể lời đến 30-40tr, vì thế mà trong vòng 6 tháng anh chị đã trả xong khoản nợ này. Ngoài việc kế toán, chị cũng kinh doanh online thêm, mỗi tháng thu nhập tầm 3tr. Như vậy cũng đủ để 2 vợ chồng và cô con gái sống thoải mái.

Thú vui chơi chim cảnh và cũng là nguồn thu lớn của anh Cường
Vợ chồng chị Thanh Hương tại Cao Bằng lại là một ví dụ khác.
Anh chị lại chọn cách thuê 1 ngôi nhà nguyên căn với 6 phòng ngủ giá 7tr/tháng, sau đó cho thuê 5 phòng còn lại. Nhờ cho thuê giá tốt, cam kết không tăng giá, anh chị không những không tốn tiền thuê chỗ ở, mà còn bỏ túi đều mỗi năm 40tr từ việc cho thuê nhà.

Cho thuê lại ngôi nhà nguyên căn – cách “ở nhà free” của gia đình chị Hương
Sau 10 năm, với thu nhập đều đặn của 2 vợ chồng chỉ vào khoảng 15tr/tháng và cách “tiết kiệm tiền nhà” sáng tạo trên, anh chị đã mua được 1 căn chung cư trị giá hơn 1 tỷ tại Thanh Trì.
“Chậm mà chắc”
Tìm cách nâng cao thu nhập cùng với chi tiêu hợp lý, 2 cặp vợ chồng trên đã làm được. Bạn hoàn toàn có thể áp dụng để sớm chạm đến ngôi nhà trong mơ của mình.
5. Vay ngân hàng/ Nhờ hỗ trợ gia đình
Với thu nhập ổn định hàng tháng từ công ty, bạn hoàn toàn có thể vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Đây là lợi thế khi bạn là nhân viên chính thức của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, hãy cố gắng tích góp ít nhất 50% giá trị ngôi nhà trước khi nghĩ đến việc vay ngân hàng.
Việc trả lãi suất chênh lệch hàng tháng sẽ khiến bạn khá căng thẳng và đau đầu đấy.

Cố gắng tích góp ít nhất 50% giá trị ngôi nhà trước khi nghĩ đến việc vay ngân hàng
Ngoài vay ngân hàng, bạn có thể nhờ hỗ trợ từ gia đình hoặc bạn bè. Việc trả nợ cho gia đình sẽ nhẹ nhàng hơn so với trả nợ vay ngân hàng.
Hãy đảm bảo trả nợ đúng hạn để giữ gìn uy tín của bản thân nhé!
6. Đầu từ Bất động sản/ Gửi ngân hàng
Nếu lên kế hoạch tiết kiệm dài hạn, bạn có thể gửi ngân hàng để lấy lãi. Nếu chọn được kênh đầu tư uy tín khác như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, bạn vẫn có thể đầu tư để sinh lời cao hơn.
Hãy đảm bảo mình tìm hiểu kỹ về quyết định đầu tư trước khi quyết định chi ra khoản tích góp của 2 vợ chồng.

Dùng tiền tiết kiệm để đầu tư cũng là một cách rút ngắn thời gian mua nhà
Mục tiêu mua nhà vẫn là quan trọng nhất. Nếu không đủ tin tưởng hay hiểu biết về lĩnh vực đầu tư, gửi ngân hàng là cách an toàn cho số tiền tiết kiệm và tình cảm vợ chồng.
7. Tiết kiệm từ sớm
Đối với những cặp vợ chồng có thu nhập trung bình, việc mua nhà là một chặng đường dài hơi. Có thể mất từ 5 đến 10 năm chi tiêu tiết kiệm để nhiều cặp vợ chồng trẻ có thể mua được nhà.
Nếu đã xác định yêu và cưới nhau, 2 bạn có thể tiết kiệm từ lúc chưa cưới. Lập 1 tài khoản ngân hàng chung, mỗi tháng gửi vào đó 50% thu nhập, cho đến lúc cưới 2 bạn đã có 1 khoản kha khá để ổn định cuộc sống.

Hãy học cách tiết kiệm tiền mua nhà sớm nhất có thể
Để mua được nhà tại Hà Nội, vợ chồng chị Liên đã lên kế hoạch tiết kiệm từ 3 năm trước khi cưới. Vì thế mà với tổng thu nhập chỉ ngót nghét 30tr/tháng, anh chị vẫn mua được nhà tại Hà Đông với giá 1,7 tỷ đồng dù chỉ mới cưới 2 năm.
Hãy cố gắng lập kế hoạch tiết kiệm tiền mua nhà càng sớm càng tốt.
8. Đồng vợ đồng chồng
Dù là mua nhà hay bất cứ một quyết định chung nào, hãy đảm bảo cả 2 đều thống nhất. Việc tiết kiệm chi tiêu trong gia đình là vô cùng nhạy cảm. Điều này đòi hỏi sự khéo léo vun vén của người vợ, và sự cam kết, kỷ luật của người chồng.

Cần có sự đồng lòng của cả 2 vợ chồng trong mọi quyết định
Trước khi mua nhà, sẽ có rất nhiều khoản chi phí lớn khác phát sinh không có trong kế hoạch. Thay vì rút từ tiền tiết kiệm, các cặp vợ chồng kể trên đã quyết tâm tìm nguồn thu nhập khác bù vào, không đụng vào tiền mua nhà.
Điều này tưởng khó, nhưng nếu cả 2 cùng đồng lòng, chắc chắn sẽ tìm được cách.
9. Hạn chế những khoản chi nhỏ không cần thiết
Các cặp vợ chồng đã lập kế hoạch mua nhà từ sớm đều có 1 điểm chung: lên kế hoạch trước các khoản chi tiêu rất rõ ràng, và thực hiện nghiêm túc.

Lên kế hoạch chi tiêu rõ ràng để tránh “khủng hoảng tài chính” vào cuối tháng
Điều này có 2 lợi ích rất lớn.
- Hạn chế mua những đồ không cần thiết.
- Biết rõ số tiền mình đang có
Đừng xem thường những khoản chi nhỏ nhặt. Nếu chịu khó ghi chép, bạn sẽ thấy 1 ly cafe, 1 gói thuốc lá, 1 ngày quên tắt đèn khi ra khỏi nhà, 1 vòi nước bị rỉ, cũng khiến chi phí của bạn tăng lên đáng kể.
“An cư lạc nghiệp” – đây là điều mà đa phần các cặp vợ chồng trẻ đều mong muốn. Có nhà riêng không chỉ giúp tiết kiệm chi phí thuê nhà về lâu dài, mà còn giúp gia đình nhỏ của bạn có không gian sống tốt hơn. MARYMY chúc bạn luôn hạnh phúc và trọn vẹn.
Tìm được người có thể cùng xây tổ ấm với mình thật là một điều may mắn và đáng quý. Xem ngay >> những mẫu váy cưới mới nhất từ MARYMY giúp bạn có được lễ cưới đẹp như mơ, khởi đầu cho hành trình ngọt ngào của cả 2 nhé!